Hướng Dẫn Hạch Toán Thanh Lý Tài Sản Cố Định
- By :
- Category : Hệ thống tài khoản kế toán
Hạch toán thanh lý tài sản cố định như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất đối với những tài sản hư hỏng hay lạc hậu, lỗi thời. Hãy cùng Nguyên lý kế toán tìm hiểu trong bài viết này nhé!
♥ Học kế toán thực hành ở đâu tốt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh
Hạch toán thanh lý tài sản cố định
Thanh lý tài sản cố định là những tài sản đã thu hồi đủ vốn đầu tư, hết thời gian trích khấu hao tài sản cố định, hoặc hư hỏng nặng, lạc hậu, lỗi thời hoặc vì một lý do nào đó doanh nghiệp muốn bán tài sản đó đi để thay thế bằng một tài sản mới, hoặc xử lý để thu hồi vốn về doanh nghiệp.
Khi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định cần phải lập Biên bản kiểm kê tài sản và Quyết định thanh lý tài sản của ban quản trị doanh nghiệp.
Tài sản cố định là gì?
Tài sản cố định được chia thành hai loại với khái niệm hòa toàn khác nhau theo mục đích sử dụng của tài sản:
Tài sản cố định hữu hình là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…
Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
Hồ sơ hạch toán thanh lý tài sản cố định
Theo điểm 3.2.2, điều 35 thông tư 200/2014/TT-BTC quy định, Tài sản cố định thanh lý là những tài sản như sau:
- Tài sản cố định hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng được
- Tài sản cố định lạc hậu về kỹ thuật hoặc không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp tự quyết định việc thanh lý tài sản cố định, bao gồm cả thanh lý tài sản cố định chưa khấu hao hết hay đã khấu hao hết.
Hoạt động thanh lý tài sản cố định phải có “Biên bản thanh lý Tài sản cố định” theo mẫu quy định.
Hồ sơ thanh lý tài sản cố định cần bao gồm:
- Biên bản họp hội đồng thanh lý Tài sản cố định.
- Quyết định Thanh lý Tài sản cố định.
- Biên bản kiểm kê tài sản cố định
- Biên bản đánh giá lại Tài sản cố định
- Biên bản thanh lý tài sản cố định (Biên bản được lập thành 2 bản, 1 bản chuyển cho phòng kế toán để theo dõi ghi sổ, 1 bản giao cho bộ phận quản lý, sử dụng Tài sản cố định)
- Hợp đồng kinh tế bán Tài sản cố định được thanh lý.
- Hóa đơn bán Tài sản cố định
- Biên bản giao nhận Tài sản cố định
- Biên bản hủy tài sản cố định
- Thanh lý hợp đồng
Cách hạch toán thanh lý tài sản cố định
Khi tài sản cố định bị hỏng, không thực hiện được vai trò của mình, doanh nghiệp sẽ tiến hành hạch toán thanh lý Tài sản cố định theo phân loại như sau:
Hạch toán thanh lý tài sản cố định dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
Khi hạch toán thanh lý tài sản cố định dùng cho sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi theo nguyên tắc:
- Giảm hết tài khoản nguyên giá, hao mòn lũy kế của tài sản đó
- Thu nhập từ hoạt động thanh lý tài sản cố định được hạch toán vào tài khoản 711 – thu nhập khác
- Các chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản cố định hạch toán vào tài khoản 811 – chi phí khác
*Trường hợp thanh lý tài sản cố định đã khấu hao hết, kế toán hạch toán giảm hết nguyên giá (TK 211) và hao mòn lũy kế (TK 214) của tài sản đó.
* Trường hợp thanh lý tài sản cố định chưa khấu hao hết, giá trị còn lại của tài sản được hạch toán vào tài khoản 811.
- Đồng thời theo quy định tại điều 38 thông tư 200/2014/TT-BTC, Các TSCĐ chưa tính đủ khấu hao (chưa thu hồi đủ vốn) mà đã hư hỏng, cần thanh lý, thì phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường và phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, không được bồi thường phải được bù đắp bằng số thu do thanh lý của chính TSCĐ đó.
- Số tiền bồi thường do lãnh đạo doanh nghiệp quyết định.
- Nếu số thu thanh lý và số thu bồi thường không đủ bù đắp phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, hoặc giá trị TSCĐ bị mất thì chênh lệch còn lại được coi là lỗ về thanh lý TSCĐ và kế toán vào chi phí khác. Riêng doanh nghiệp Nhà nước được xử lý theo chính sách tài chính hiện hành của Nhà nước.
Trường hợp thanh lý tài sản cố định chưa khấu hao hết, giá trị còn lại của tài sản được hạch toán vào tài khoản 811
Các bút toán hạch toán cụ thể khi doanh nghiệp tiến hành thanh lý TSCĐ dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh:
- Căn cứ vào chứng từ cụ thể, kế toán phản ánh các khoản thu nhập:
Nợ TK 111, 112, 131,…: Tổng trị giá thu về khi thanh lý TSCĐ
Có TK 711: Trị giá thanh lý TSCĐ chưa có thuế GTGT
Có TK 33311: Tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp.
- Đồng thời kế toán ghi giảm nguyên giá TSCĐ hữu hình:
Nợ TK 214: Trị giá hao mòn TSCĐ hữu hình
Nợ TK 811: Giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình thanh lý
Có TK 211: Nguyên giá TSCĐ hữu hình thanh lý.
- Khi phát sinh các chi phí phát sinh cho hoạt động thanh lý tài sản cố định, kế toán ghi:
Nợ TK 811: Trị giá chi phí phát sinh cho hoạt động thanh lý TSCĐ
Có các TK 111, 112,….: Tổng trị giá thanh toán chi phí phát sinh cho hoạt động thanh lý TSCĐ.
Hạch toán thanh lý tài sản cố định dùng trong hoạt động sự nghiệp, dự án
Với các TSCĐ được hình thành từ kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án được cấp từ ngân sách nhà nước hoặc nhận viện trợ, tài trợ, đưa vào sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, kế toán sử dụng tài khoản 466 để phản ánh các khoản thu, chi liên quan khi nhượng bán, thanh lý TSCĐ đó.
- Khi doanh nghiệp tiến hành thanh lý TSCĐ dùng trong nội bộ, dự án. Căn cứ Biên bản giao nhận TSCĐ, kế toán ghi giảm tài sản cố định đã thanh lý:
Nợ TK 466 (theo 200): Giá trị còn lại của TSCĐ thanh lý
Nợ TK 214: Trị giá đã hao mòn của TSCĐ thanh lý
Có TK 211: Nguyên giá TSCĐ thanh lý.
- Kế toán phản ánh số thu về thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,…: Tổng trị giá thu về khi thanh lý TSCĐ
Có TK 466 (theo TT200): Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 3331 : Tiền thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (nếu có).
- Kế toán phản ánh số chi về thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ TK 466 (theo 200): Tổng trị giá đã chi khi thanh lý TSCĐ
Có TK 111, 112 …: Tổng trị giá đã chi thanh lý TSCĐ.
Hạch toán thanh lý tài sản cố định dùng cho hoạt động văn hóa, phúc lợi
Các khoản thu, chi khi thanh lý TSCĐ dùng cho hoạt động văn hóa, phúc lợi của người lao động sẽ được hạch toán vào tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi
- Khi doanh nghiệp tiến hành thanh lý TSCĐ dùng cho hoạt động văn hóa, phúc lợi. Căn cứ Biên bản giao nhận TSCĐ, kế toán ghi giảm tài sản cố định nhượng bán, ghi:
Nợ TK 3533: Giá trị còn lại của TSCĐ thanh lý
Nợ TK 214: Giá trị đã hao mòn của TSCĐ thanh lý
Có TK 211: Nguyên giá của TSCĐ thanh lý.
- Kế toán phản ánh số thu về thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ TK 111, 112,…: Tổng trị giá thu về khi thanh lý TSCĐ
Có TK 3532: Quỹ phúc lợi
Có TK 3331: Tiền thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (nếu có).
- Kế toán phản ánh số chi về thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ TK 3532: Tổng trị giá đã chi khi thanh lý TSCĐ.
Có các TK 111, 112,…: Tổng trị giá đã chi khi thanh lý TSCĐ.
Trên đây là những chia sẻ hữu ích về Cách hạch toán thanh lý tài sản cố định. Nếu các bạn muốn được học kiến thức và kỹ năng kế toán có thể tham khảo thêm Khóa học kế toán tổng hợp thực hành để các bạn có cơ hội được tiếp xúc với những kiến thức, nghiệp vụ kế toán thực tế và học cách xử lý các công việc của một kế toán tổng hợp theo quy trình chuyên nghiệp.
>>> Có thể bạn quan tâm:
♥ Quy định về sổ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp
♥ Chuẩn mực kế toán số 18- các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng
♥ Hệ thống tài khoản kế toán hành chính sự nghiệp
♥ Bài tập kế toán hành chính sự nghiệp – có lời giải
♥ Tài sản là gì? Phân loại tài sản trong doanh nghiệp
Nguyên lý kế toán chúc bạn thành công!
Không có bình luận